Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm A
1. Bài đọc 1:
Đoạn sách Sáng Thế mô tả tình trạng tốt đẹp của công trình tạo dựng của Thiên Chúa, cách riêng đối với con người, đồng thời cho thấy sự yếu đuối của con người trước cám dỗ.
Trước hết, Thiên Chúa dựng nên con người, ban cho sự sống và đặt con người vào khu vườn với những phương tiện và điều kiện tốt đẹp để sinh sống. Khi đặt con người vào khu vườn với đủ thứ cây “trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác”, Thiên Chúa ban cho con người sự tự do chọn lựa điều mình muốn, và kèm theo đó là trách nhiệm con người phải chịu dựa trên sự lựa chọn của mình. Sự sống là món quà nhưng không Thiên Chúa ban cho con người, nhưng sống “trường sinh” hay không lại tùy thuộc sự chọn lựa của con người.
Sau nữa, trước cơn cám dỗ ăn trái cây ở giữa vườn, dù đã được Thiên Chúa cảnh báo về hậu quả khi ăn nó, con người vẫn không thể cưỡng lại cơn cám dỗ của con rắn. Con người vừa bị cám dỗ bởi nét thu hút bên ngoài (đẹp, ngon) lẫn sự hấp dẫn của tác động bên trong (được tinh khôn, được nên như những vị thần biết điều thiện điều ác) (x. St 3,5-6). Con người, cả người đàn bà và chồng, đã gạt qua một bên lời cảnh báo của Thiên Chúa và tin vào lời xúi dục của con rắn. Họ đã ăn và đã nhận ra một sự thật phũ phàng, một sự thật trần trụi rằng họ chỉ là những thụ tạo mỏng dòn nhưng được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Và một khi họ phản bội tình thương của Thiên Chúa và đánh mất lòng tín thác vào Ngài thì họ phải chết.
2. Bài đọc 2:
Thánh Phaolô cho thấy sự khác biệt và đối nghịch giữa Ađam, người đã phạm tội dẫn tới sự chết, và Ađam mới là Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận chết để ban ơn sủng là sự sống viên mãn cho muôn người.
Vì bất tuân phục Thiên Chúa mà Ađam đã sa ngã mà phạm tội và qua đó để cho tội lỗi xâm nhập trần gian. Hậu quả của tội lỗi chính là cái chết mà không ai có thể tránh khỏi vì họ đều mang thân phận yếu đuối. Quả vậy, mọi người sinh ra đều mang trong mình bản chất mỏng dòn, mong manh trước sức mạnh cám dỗ của tội lỗi. Như thế, Ađam chính là căn nguyên và là hình ảnh của nhân loại yếu đuối, tự sức mình không thể thoát khỏi sức mạnh cám dỗ của tội lỗi và hậu quả chính là sự thống trị của sự chết trên trần gian. Tuy nhiên, Ađam yếu đuối, tội lỗi, hay chết cũng lại là hình ảnh loan báo Đấng sẽ đến (x. Rm 5,14).
Đức Giêsu Kitô dù cũng mang thân phận yếu đuối nhưng không hề phạm tội vì Người hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa. Nhờ sự công chính của Người mà Thiên Chúa ban muôn vàn ân sủng dồi dào và cho con người được nên công chính, nghĩa là được sống (x. Rm 5,18). Như thế, nhờ hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, Đức Giêsu trở nên nguồn ân sủng và sự công chính làm cho muôn người được công chính hóa, nghĩa là thoát khỏi án phạt của tội lỗi mà được hưởng sự sống viên mãn.
Đứng trước sự yếu đuối, bất tuân và tội lỗi của con người, Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ để nhờ công phúc của Người, muôn người được cứu độ và được chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng:
Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay và đối diện với ba cơn cám dỗ. Cuộc chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu là mẫu mực cho cuộc sống của những ai tin theo Người.
Trước hết, khi Chúa Giêsu ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Ngài cảm thấy đói và đây là thời điểm thích hợp cho cơn cám dỗ thứ nhất: dùng quyền năng để thỏa mãn sự đòi hỏi của thân xác, một đòi hỏi xem ra thích hợp và thực tế. Chúa Giêsu vừa khước từ dùng quyền năng để thỏa mãn nhu cầu thân xác trước mắt, vừa cho thấy nhu cầu về của ăn chỉ là phụ thuộc so với nhu cầu thiêng liêng là sống nhờ lời Thiên Chúa.
Sau nữa, quỷ biết Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”, biết Người là Đấng luôn cậy trông nơi Thiên Chúa nên sẽ được Ngài che chở trong hoàn cảnh ngặt nghèo: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (x. Tv 91,11-12). Nhưng nếu Chúa Giêsu thỏa mãn yêu cầu của quỷ mà thực hiện một cú nhảy từ nóc đền thờ, thì Chúa Giêsu đã rơi vào cơn cám dỗ muốn tỏ cho thấy một Đấng Mêsia uy quyền theo kiểu thế gian. Khi vượt thắng cơn cám dỗ, Chúa Giêsu cho thấy Người thật là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, nhưng không phải để chứng tỏ uy quyền theo kiểu thế gian mà là để cho thấy sức mạnh của tình yêu thương.
Cuối cùng, dù là Con Thiên Chúa nhưng trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ phục tùng và bái lạy ma quỷ để đổi lấy “tất cả các nước thế gian và vinh hoa, lợi lộc của các nước ấy”. Cơn cám dỗ này lôi kéo Chúa Giêsu từ bỏ địa vị của Con Thiên Chúa, từ bỏ sứ mạng cứu độ mà Người chuẩn bị khai mào. Chúa Giêsu đã hoàn toàn vượt thắng cơn cám dỗ của ma quỷ khi dùng chính lời Chúa để khẳng định rằng chỉ duy một mình Thiên Chúa là Đấng mà muôn loài phải bái lạy và thờ phượng (x. Đnl 6,13).
Vật chất, quyền lực và vinh hoa phú quý là những cám dỗ thường trực của con người mọi nơi, mọi thời. Chúa Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng những thứ cám dỗ đó. Người chính là niềm hy vọng và sức mạnh của những ai đặt niềm tin nơi Người.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Sách Sáng Thế cho thấy công trình tốt đẹp của Thiên Chúa khi tạo dựng con người và muôn vật muôn loài, với món quà vô giá là sự sống. Nhưng con người, vì bất tuân Thiên Chúa, đã nghe theo sự xúi dục của con rắn mà phạm tội và lãnh lấy hậu quả là cái chết. Sự sống của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên khi phạm tội, khi xa lìa Thiên Chúa, con người đánh mất món quà sự sống. Tôi có bị cám dỗ bất tuân Thiên Chúa? Tôi có dùng sự tự do của tôi để chọn lựa xa rời Thiên Chúa là nguồn sống đích thực của đời tôi?
2/ Thánh Phaolô so sánh Đức Giêsu và Ađam, đồng thời cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn trổi vượt Ađam. Trong khi Ađam là biểu tượng của bất tuân, tội lỗi, cái chết và án phạt, thì Đức Giêsu là biểu tượng của tuân phục, ân sủng, sự sống và công chính. Nếu Ađam là hình ảnh tuyệt vọng của con người khi bị tội lỗi và cái chết thống trị, thì Đức Giêsu là hình ảnh của niềm hy vọng con người được công chính hóa nhờ ân sủng Thiên Chúa ban. Sống trong thời đại ân sủng Thiên Chúa ban qua Đức Kitô, tôi có dựa vào ơn Chúa mà sống công chính, thánh thiện?
3/ Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay và đối diện với ba cơn cám dỗ. Vật chất, quyền lực và vinh hoa phú quý vẫn tiếp tục là những cám dỗ thường trực của con người mọi nơi, mọi thời. Cuộc chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu là mẫu mực cho cuộc sống của những ai theo Người, vì Người chính là niềm hy vọng và sức mạnh của những ai đặt niềm tin nơi Người. Tôi có đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô? Tôi có dựa vào ân sủng và sức mạnh của Người để chiến đấu với những cám dỗ thường ngày trong đời tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mùa Chay thánh là thời gian thuận tiện để thanh luyện và củng cố đời sống kitô hữu qua việc hoán cải trở về sống thân tình với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em. Với ước muốn và quyết tâm sống mùa Chay trọn vẹn, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. “Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn biết lắng nghe và hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hầu đứng vững trước mọi cám dỗ và khó khăn thử thách của thời đại.
2. “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang cậy dựa vào tiến bộ khoa học nhằm chối bỏ hay loại trừ Thiên Chúa, được ơn khôn ngoan đích thực để nhận biết giới hạn của những thực tại trần thế mà đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.
3. “Do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết tận dụng thời gian của mùa Chay thánh để canh tân đời sống, nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, luôn khiêm tốn hạ mình và vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
4. “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta biết khích lệ nhau trong bổn phận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, luôn quan tâm giáo dục đức tin và nêu gương sáng cho thế hệ trẻ.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhìn đến chúng con đang tin tưởng dâng lời cầu xin mà ban ân huệ Thánh Thần giúp chúng con gặt hái thật nhiều hoa trái thiêng liêng trong mùa Chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Ý kiến bạn đọc