26 tháng 2/2017: CN 8 TN Năm A, CTGL Trẻ Em Song Ngữ & GL Tân Tòng

SUY NIỆM TIN MỪNG
NHÌN THẲNG VÀO CÁM DỖ
Nhìn vào các thứ có sức cám dỗ thường thấy hấp dẫn hơn là những thứ người ta cho là nghiêm chỉnh, đứng đắn, đạo đức hoặc ngay lành! Bởi những thứ giúp hướng về điều tốt lành thường đòi buộc con người phải từ bỏ chính mình, còn những thứ có sức cám dỗ thì để họ tự do theo bản năng và sở thích, có khi hết sức bất chính.
Theo giáo lý Công giáo, chúng ta có thể định nghĩa cám dỗ là khuynh hướng lôi cuốn con người vào tội lỗi. Cám dỗ đến trước khi ta phạm tội. Những khuynh hướng căn bản được quy về thế gian, xác thịt và ma quỷ. Thế gian có thể là người hay tạo vật làm ta xa Chúa bằng những ảnh hưởng của chúng trên đời sống mình. Thí dụ sống với một người không thích đạo và thường hay chống đối đạo, ta sẽ dần dần bị họ lôi cuốn.
Xác thịt là những dục vọng nội tâm sẵn sàng đưa con người về điều xấu và tội. Có bảy khunh hướng chính gọi là các tính mê nếtxấu: kiêu ngạo, tham lam, mê dâm dục, nóng giận, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng. Khi bị các thói xấu ấy điều khiển, con người sẽ lẫn lộn giữa tốt và xấu, và thường xem điều xấu là điều tốt để hành động. Lương tâm lúc đó sẽ lệch lạc và dần dần trở thành lương tâm chết.
Ma quỷ là Satan và các thần xấu có sức làm con người bất tuân luật Chúa và ghét Chúa. Adam và Eva sa ngã trong Cựu Ước là trường hợp điển hình của ma quỷ cám dỗ. Tuy nhiên, đừng gán ghép và lẫn lộn người ta với ma quỷ, vì ma quỷ có sức mạnh hơn con người rất nhiều.
Nhìn vào cám dỗ là nhìn thấy rõ sức hấp dẫn của những điều xấu để ta trốn tránh và chống lại. Chúng ẩn núp trong những dịp tội bề ngoài được ngụy trang rất hữu lý và tài tình. Thí dụ một buổi liên hoan chiều Thứ Bảy; để rồi sau khi say sưa nhảy nhót, con người sẽ rơi vào khuynh hướng lười biếng không muốn thức dậy đi Lễ Ngày Chúa Nhật, hoặc dẫn ngay vào tình trạng mê đắm dục vọng! Tình yêu là cái gì tuyệt đẹp và thiêng liêng cao cả; nhưng khi con người đi đến tình trạng yêu mù quáng, sẽ lẫn lộn giữa ranh giới của tình yêu và xác thịt, và thường coi đam mê xác thịt là tình yêu!
Ngoài ra, con người cũng rất dễ bị cám dỗ thần thánh hóa những thực tại vật chất hay tự nhiên với những thực tại thánh thiêng, nhất là Thiên Chúa; để từ đó dễ rơi vào tình trạng mê tín dị đoan.
Suy nghĩ về cám dỗ cũng đồng thời luôn cảnh tỉnh trước sự mù quáng của mình với các nhu cầu rất cần thiết ngay trong đời sống. Các nhu cầu ấy thường hay chiếm điạ vị độc tôn để đưa chúng ta đến chỗ chỉ phục vụ cho mình. Chúa Kitô đã làm ngược lại tất cả các cám dỗ. Gương Chúa Kitô chịu cám dỗ trong sa mạc cho thấy rằng, con người không thể tránh khỏi các cám dỗ; vì các cám dỗ luôn là những dịp thử thách giúp con người lập công trước mặt Chúa và nên hoàn thiện. Hãy trông cậy Chúa để có thể nhìn rõ các thực tại cám dỗ mà tránh xa.
Lm. Raphael Xuân Nguyên

Thứ Tư Lễ TroHÃY MỞ LÒNG RAGe 2,12-18; 2Cr 5,20 – 6,2; Mt 6,1-6.16-18
Tân Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump đã quyết định xây bức tường dọc theo biên giới, nhằm ngăn chặn người nhập cư từ Mexico vào Hoa kỳ. Đức Thánh Cha Phanxico và Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng: Nên xây cầu. Không nên xây tường.Xây tường là thái độ đóng kín. Là thu mình vào cá nhân ích kỷ. Là nghèo nàn tàn lụi.Xây cầu là thái độ mở lòng ra với Chúa, với tha nhân.Làm cho đời sống phong phú.Hãy mở lòng.Đó là sứ điệp Lời Chúa của ngày Thứ Tư Lễ Tro.
Lời Chúa hôm nay dạy ta hãy cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Đó là hãy mở lòng ra.
Cầu nguyện là mở lòng ra với Chúa. Mở lòng ra với Chúa là mở vào siêu việt. Con người đâu phải bị trói buộc vào mặt đất, hữu hạn,tầm thường. Con người có khả năng vươn lên siêu việt. Và còn hơn thế, Thiên Chúa là người Cha luôn yêu thương mong chờ con cái về với Người. Khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa là vô biên.Nhưng có cây cầu nối con người vào siêu việt để gặp gỡ Thiên Chúa.Đó là cầu nguyện.Mùa Chay là mùa thuận tiện để Chúa thi ân, ban ơn cứu độ.Tháo gỡ con người khỏi trói buộc của mặt đất tầm thường, khỏi bùn lầy tội lỗi. Nâng con người lên tự do của con cái Thiên Chúa. Nên Chúa mời gọi ta hãy xây dựng cây cầu nối liền với trời cao để gặp gỡ Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện.Hãy nâng lòng lên tới Chúa.Hãy khao khát những sự trên trời.Đóng kín vào bản thân, vào mặt đất, vào vật chất là tự giam hãm, tự tàn lụi, tự hạ thấp con người.Cầu nguyện là mở lòng ra.Là gặp gỡ Thiên Chúa.Là vươn tâm hồn lên.Là vươn nhân loại lên.Là nâng thế giới lên cõi cao thượng.
Bố thí là mở lòng ra với tha nhân. Con người lo lắng về đời sống thực tế trần gian. Nên thường vun quén cho bản thân.Vì lo cho bản thân nên thường đóng kín với tha nhân. Trong đời sống thành thị hoá hiện nay, nhà đóng kín cửa, xây tường khoá cổng là phổ biến. Người ta ít quen biết nhau. Càng ít giao du. Sống ảo rất nhiều. Thăm viếng rất ít.Vì thế không thông cảm với tha nhân.Chia sẻ càng ít lắm. Mùa Chay Chúa mời gọi chúng ta hãy mở lòng ra với tha nhân. Chung quanh chúng ta đầy thảm cảnh. Thảm hoạ Formosa khiến hàng triệu người không có thu nhập cả hàng năm nay. Thảm hoạ lũ lụt khiến bao nhiêu nhà cửa, của cải, hoa mầu trôi theo dòng nước. Chung quanh ta biết bao Lazaro đang nằm thoi thóp. Cha Thục và giáo dân Song gọc bị đàn áp dã man chỉ vì muốn đòi công lý.Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị đe doạ cưỡng chế vô lý.Chúng ta đừng như nhà phú hộ cứ đóng kín cửa mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Hãy mở cửa ra.Nhất là hãy mở lòng ra.Đón tiếp người cơ nhỡ.Đòi công lý cho người bị áp bức bất công.Cho kẻ đói ăn.Cho kẻ khát uống.Thăm viếng người tù tội. Khi lòng ta mở ra với tha nhân, tâm hồn ta phong phú vì tràn đầy tình yêu thương. Có yêu thương thế giới mới đổi mới. Con người mới hạnh phúc.
Ăn chay là mở lòng ra với bản thân. Con người đóng kín với Thiên Chúa và với tha nhân là vì con người tự đóng kín vào bản thân. Chỉ nhìn vào hạnh phúc riêng mình.Tìm hưởng thụ.Đó chính là hình ảnh người phú hộ.Chỉ biết ăn uống, trang điểm cho mình.Khi con người chỉ biết chăm chút cho bản thân con người bị trói buộc vào thú tính. K. Marx đã từng nói: Trước nỗi khổ của tha nhân, chỉ có loài súc vật mới tiếp tục liếm láp bộ lông để làm đẹp cho bản thân.  Khi con người biết tự chế trong ăn mặc tiêu dùng, con người thoát khỏi ràng buộc của thói cá nhân ích kỷ, thoát khỏi bị ràng buộc vào vật chất hưởng thụ.Phá đi được bức tường cá nhân ích kỷ giam hãm đóng kín vào bản thân.Con người sẽ mở lòng ra với Chúa và với tha nhân. Sẽ biết vươn tâm hồn lên siêu việt.Sẽ biết mở lòng ra với anh em.Tâm hồn mở ra sẽ phát triển cả chiều cao với Thiên Chúa và chiều ngang với tha nhân.Sẽ trở nên rộng lớn. Sẽ xứng đáng với phẩm giá của con người và của con Chúa.
Đó cũng chính là chủ đề của Sứ điệp Mùa chay năm 2017 của Đức Thánh Cha Phanxico khi ngài nêu cao: Tha nhân là hồng ân của Chúa và Lời Chúa là hồng ân của Chúa. Ngài dựa vào dụ ngôn Nhà phú hộ và Lazaro để minh hoạ cho chủ đề mở lòng ra.Ông phú hộ vì đóng kín vào bản thân mà quên Chúa, không nhìn thấy tha nhân.Đến khi ông chết mới nhận thấy Lời Chúa là quan trọng và tha nhân là hồng ân.Nhưng không còn kịp nữa.
Vậy trong mùa Chay năm nay, chúng ta hãy nghe theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha. Hãy mở lòng ra lắng nghe Lời Chúa dạy.Hãy mở lòng ra với tha nhân.Khi mở lòng ra ta sẽ thấy Lời Chúa là hồng ân cao cả đem đến cho ta sự sống đời đời. Và tha nhân là hồng ân để ta được gặp Chúa, được phục vụ Chúa và được hạnh phúc.
Hãy lên một chương trình sống mùa Chay thực sự.Chương trình cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.Chương trình giúp đỡ những nạn nhân đang cần trợ giúp.Chương trình thăm viếng các bệnh nhân và tù nhân. Như cô Đoàn thị Hương đang gặp khó khăn ở Malaysia…
Khi sống một mùa Chay thực sự thực tế, chắc chắn ta sẽ nhận được ơn phúc dồi dào của Chúa.
ĐTGM Ngô Quang Kiệt (2017)

TRỞ LẠI TRẬT TỰ  "TẠO HÓA - TẠO VẬT"”_Cn8tnA
Đọc xong Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, tự nhiên một câu hỏi thoáng qua tâm trí: Vật chất đến trước các lo lắng về vật chất, hay các lo lắng về vật chất có trước vật chất? Thật lẩn quẩn trong tâm trí và đời sống con người!  Chẳng khác gì Thiên Chúa (Đấng dựng nên con người) có trước con người, hay con người có trước Thiên Chúa? 

Trong ánh sáng đức Tin Kitô giáo, thì dĩ nhiên Thiên Chúa có từ đời đời, và con người mới được Ngài dựng nên không biết từ mấy ngàn hay mấy triệu năm nay thôi?  Lý luận gì đi nữa một khi chấp nhận có Đấng dựng nên vũ trụ và trái đất này cùng với các sinh vật trên đó, thì dĩ nhiên con người không thể có trước Thiên Chúa.  Lại thêm một điều luẩn quẩn! 

Khi con người hiện hữu, các sinh vật khác đồng thời cùng hiện hữu, và theo Sách Sáng Thế Ký của Kinh Thánh, thì các sinh vật do Thiên Chúa dựng nên là để phục vụ con người.  Con người quả thật rất may mắn được Ngài ban cho quyền cai trị trên vạn vật. Sở dĩ có những lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: “Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc,"  chỉ bởi vì con người đã dùng tự do Thiên Chúa ban cho để đảo lộn cái trật tự thiêng liêng cao quí “làm con Thiên Chúa” cho thành “lên bằng Thiên Chúa!”   Thế là từ đó họ bắt đầu lo lắng về cái mạng sống rất bấp bênh trong cái trật tự mà chính họ đã tự đảo lộn.  Khổ nỗi là những đối tượng bị đảo lộn là Thiên Chúa và vạn vật lại không hề hấn gì, còn chính họ ngược lại trở thành những nạn nhân rất mong manh trong các lo lắng về vật chất đang ảnh hưởng cuộc sống và cũng đang tiêu diệt chính họ!  Bởi không có Thiên Chúa trong cuộc sống, cuộc sống tự nhiên trở nên phi lý, không còn ý nghĩa và sẽ trở về hư vô!

Để khỏi phải lo lắng cho mạng sống tìm ăn tìm mặc, Chúa Giêsu bảo trước tiên hãy trở lại trật tự vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa“Các con không thể làm tôi hai chủ ... Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền tài được!” Khi làm tôi Thiên Chúa thì tự nhiên được sống trong tình Chúa, trong Nhà Chúa, trong sự chăm sóc bảo vệ của Chúa, và trong sự an bình vĩnh cửu của Ngài. Nhân loại tự nhiên trở thành con cái của Thiên Chúa khi biết dùng tự do trở về và phụng sự Thiên Chúa. Chẳng có gì xấu hổ và tự ái khi nhận mình là tạo vật của Đấng Tạo Hóa, và nhất là được Ngài rất mực yêu thương.  Ngược lại khi làm tôi tiền tài vật chất, con người tự nhiên lúc nào cũng sợ mất đi cái mạng sống rất mong manh như chính vật chất vậy, bởi bản tính của vật chất là hư vô và không thể tồn tại mãi mãi. 

Thứ đến Chúa Giêsu dạy con người nếu muốn thoát khỏi lắng lo về mạng sống mong manh của mình, thì hãy biết “nhìn xem chim trời không gieo không gặt không thu vào kho lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng; hoặc hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào?” Và Chúa Giêsu trả lời: “Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức bằng một trong những đóa hoa đó!”   Qua dòng thời gian, chim vẫn làm tổ, vẫn sinh con, vẫn nhởn nhơ vui đùa ca hót và reo vang làm vui cuộc đời.  Cũng qua dòng thời gian, hoa huệ vẫn tươi nở và trong trắng xinh đẹp lộng lẫy, cái đẹp trinh trong mà không tâm hồn nhân loại nào có thể so sánh, nếu đã không được ơn Chúa thanh tẩy.   Còn Salomon và vinh quang của ông thì đã trở thành đống tro tàn từ lâu mất rồi!  Chính vì thế nhân loại sẽ chỉ hiện hữu thực sự trong Thiên Chúa, mới thoát khỏi lắng lo cho kiếp sống mong manh phù du của mình.
Khi quan sát sự hiện hữu và cách sinh tồn của các tạo vật khác như Chúa Giêsu dạy, sẽ giúp con người tìm về và nhận ra Đấng Tạo Hóa dựng nên và đang an bài cho đời sống của họ.  Họ cũng đồng thời tìm ra câu trả lời cho thân phận mình khi biết phản ảnh qua câu hỏi của Chúa Giêsu về chim trời và hoa huệ:  Nào các con không hơn chúng sao?   Đây là tất cả danh dự của của con người trước mặt Thiên Chúa:  Họ chính là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, bao la và vượt xa ngàn trùng hơn các loài thọ tạo khác. 

Chúng ta giờ đây hãy tự hỏi:  Tại sao mình lại thích đi xa khỏi Thiên Chúa, Đấng toàn năng và là Cha tràn đầy tình yêu thương mình, để rồi chuốc lấy lo lắng cho kiếp sống thực ra chẳng hề mong manh chút nào khi gắn bó và phó thác nơi Ngài? 

Tại sao lại để mắt mình mù lòa trước các ảo tưởng của vật chất và vinh hoa giả tạo của các tạo vật, trong khi vẫn nhắm mắt lại trước sự huy hoàng vô cùng cao cả của Đấng Tạo Hóa, mà các tạo vật chỉ phản ảnh được đôi chút vinh quang rất nhỏ xíu của Ngài?


Và nếu cứ tiếp tục đặt các câu hỏi trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa và các tạo vật, tự nhiên chúng ta sẽ nhận ra và biết thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự; đồng thời cũng sẽ biết trao hoàn toàn đời sống chúng ta trong tình yêu và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài, để có thể sinh tồn thiên thu trên nước hằng sống. 

Lm. Raphael Xuân Nguyên
“YÊU KẺ THU” LÀ CHÂN LÝ TÌNH YÊU _cn7tnA
Có lẽ đoạn Tin Mừng của Thánh Matthêu hôm nay đã gây rất nhiều thắc mắc và đố kỵ, nhất là đối với nhiều người không biết và không quen với tinh thần Kitô giáo, và ngay cả với các Kitô hữu không chừng. Chẳng hạn cách đây ít năm, ông tổng thống (cũ 
Mahmoud Ahmadinejadnước Iran có lần đã chê bai và lên án những người Kitô hữu là những kẻ yếu kém và nô lệ, chỉ vì tôn thờ Đức Kitô chịu đóng đinh và chết như kẻ nô lệ! Và có lẽ không một ai đã từng sống dưới chế độ cộng sản mà lại không biết hoặc không kinh nghiệm chính sách khắc nghiệt đến độ tàn bạo đối với các tôn giáo, nhất là Kitô giáo! Lịch sử bách hại đạo Chúa Kitô khởi đầu thời đế quốc Roma luôn luôn tái diễn.  Những kẻ cầm quyền thế gian đã không thể chấp nhận được một lối sống của lý thuyết yêu thương, tha thứ ngay cả cho kẻ thù đến độ như khờ khạo và không tưởng mà Đức Kitô đã dạy và làm gương. Vì thế không lạ gì Kitô giáo loan truyền đến đâu cũng đều bị ngăn chặn, và những kẻ theo Kitô giáo thường bị bách hại. 
Ngoài ra, ngay trong lòng giáo hội Công Giáo, nhiều tín hữu cũng rất hờ hững với luật yêu thương của đoạn Tin Mừng này, đó là chưa kể đa số các tín hữu đều không thể giữ trọn luật bác ái mến Chúa yêu người của Chúa Kitô trong suy nghĩ cũng như trong hành động! Câu hỏi đặt ra là phải chăng những điều Chúa Giêsu Kitô dạy trong đoạn Tin Mừng này là không tưởng, là biến người theo Đạo thành những kẻ khờ khạo, là không thể thực hiện được? v,v ..., và nếu tuân giữ những điều ấy thì được lợi ích gì? 
Đây chỉ là suy tư vắn tắt mang tính suy niệm Lời Chúa, nên thiết tưởng cần cá nhân hóa những lời của Chúa Giêsu vào cuộc sống đạo, và ngay cả đời thường, sẽ thấy hiệu qủa rất phi thường của tình yêu Thiên Chúa cả trong đời sống tâm lý lẫn tinh thần và tôn giáo.
Trước hết Chúa Giêsu dạy "đừng chống cự với kẻ hung ác", (dĩ nhiên tuyệt đối không trả thù theo lối mắt đền mắt răng đền răng của đạo cũ theo luật Maisen)và còn quảng đại với họ bất cứ điều gì khi họ muốn, như bị tát má này, đưa luôn má kia... Chúng ta không hiểu vì sao Chúa Giêsu lại dạy như vậy, chỉ biết đó là điều Người muốn kiện toàn trong Luật mới của Người.  Tuy nhiên người ta có thể hiểu những "kẻ hung ác hoặc kẻ thù" vào thời của Ngài là những kẻ chiếm đóng quốc gia Do Thái, tức những quân quyền Rôma tàn bạo; hoặc theo kiểu nói của Thánh Kinh, thì kẻ thù: đó là những đứa con của bóng tối, tức kẻ thù của Thiên Chúa. (Tv139:19-22) Nói cách khác, chúng là những ý thức hệ chống lại Thiên Chúa; và dĩ nhiên chống lại con cái của Ngài.  Giả như con người vẫn áp dụng luật "mắt đền mắt, răng đền răng" thì sẽ có không biết bao nhiêu nước trên thế giới này sẽ bị biến mất khỏi bản đồ thế giới! Bi vì khi trả thù, người ta sẽ trả nhiều hơn những gì họ bị thiệt hại, sẽ phá đi không chỉ một cái răng (mà người trả thù bị mất), mà sẽ lất đi cả hàm răng không chừng!  Điều này cho thấy con người sẽ trở về thời sơ khai man rợ, thay vì sống văn minh tình thương sau bao ngàn ngàn năm khắc phục "tính dã man", chỉ vì trả thù.
Và điều xảy ra trong thực tế cuộc sống con người, là bất cứ khi nào một hành động hung dữ hay xấu xa được đáp trả lại bằng tình yêu, lòng quảng đại, sự bao dung tha thứ, và nhất là bằng hành động tích cực yêu thương giúp đỡ, thì kết quả vẫn là dập tắt được ngọn lửa hận thù, và có thể biến đổi đối phương. Người không trả thù thì không bị tình cảm thù hận hành hạ, và họ luôn sống trong an bình, họ có thể thoát được những dằn vặt đến độ biến họ thành 'mát' hay thành 'khờ'. Họ là những kẻ mạnh, chứ không phải kẻ thù của họ. Nhưng nếu hành động ngược lại, tức tìm trả thù, thì lập tức họ trở thành nạn nhân của sự thù hận, vì họ đã mở cửa lòng cho hận thù thống trị. Chúa Giêsu đã chọn con đường yêu thương đến độ chấp nhận chết như một tội nhân, để đổi lại toàn thể những tội nhân con người thành con cái Thiên Chúa. Chân lý cứu độ của Chúa Giêsu chính là chân lý tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa đã biên đổi toàn thể nhân loại đến muôn ngàn đời. Những ai giữ lời Ngài thì hòa nhập vào tình yêu Thiên Chúa. 

Lý do khác mà Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương cả kẻ thù, là vì ngay cả những người đó và chính chúng ta đều có cùng một Cha chung trên trời, Đấng làm cho mặt trời mọc lên, hoặc cho những cơn mưa xuống chung cho cả người lành lẫn kẻ dữ, cho người công chính lẫn kẻ tội lỗi. Qủa thực, suy gẫm kỹ càng sẽ thấy điều Chúa dạy rất phi thường, nhưng cũng rất thức tế. Ngài lấy hình ảnh gia đình mà người cha tràn đầy tình thương như vị trọng tài vô cùng công mình và nhân từ với mọi con cái theo hoàn cảnh của chúng. Tình thương như ánh sáng ban sự sống, và từ sự sống sẽ cảm nghiệm được tình thương của Đấng ban ánh sáng qua mặt trời sáng như vô tận. Tình thương tràn lan như nước nuôi dưỡng sự sống, và từ sự sống cũng cảm nghiệm và biết ơn Đấng ban nước qua những cơn mưa nuôi sư sống. Tất cả các con cái một khi cảm nghiệm được tình thương bao la của Cha mình, sẽ tự nhiên chia sẻ và thông cảm với nhau hơn, cũng như sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ lẫn nhau, vì chúng đang hòa nhập trong tình yêu của cha mình. 

Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Bác Ái, Đạo Tình Yêu, vì bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu. Con người sẽ chỉ cảm nhận được Thiên Chúa Tình Yêu là Cha mình khi ở trong tình yêu với Ngài và trong sự hòa hợp tình yêu của mình với anh chị em nhân loại gồm mọi loại người khác nhau. Người ta không thể chấp nhận được những điều Chúa Giêsu dạy, vì người ta chưa biết Thiên Chúa. Người ta không giữ được điều Chúa Giêsu dạy, vì người ta không cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa là Cha. Điều mà Thánh Gioan thánh sử công bố: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa, sẽ mãi mãi là chân lý giữa thế giới loài người và vạn vật. Một khi biết chấp nhận mọi người là anh chị em con cùng Cha trên trời, thì ranh giới thù hận từ từ sẽ biến đi, và mọi người hòa hợp được với nhau và với vũ trụ.
Là những Kitô hữu, chúng ta có thể bắt đầu thực hiện ngay hôm nay trong các gia đình mình, sẽ cảm nhận hạnh phúc và tự do tràn ngập tâm hồn mọi thành viên trong gia đình, vì hạnh phúc ấy đến từ Thiên Chúa tình yêu là Cha chung trên trời, mà Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã dạy và thực hiện để nêu gương tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa khi để người phàm tát vào mặt, chửi bới khiêu khích, tước đoạt cả áo ngoài lẫn áo trong, lôi đi hơn cả hai dặm trên đường đến đồi sọ Golgotha, và bị kết án bất công trong cuộc tử nạn trên thập giá, mà không hề than van chống cự!...Chúng ta hãy bắt đầu việc "yêu thương kẻ thù... bằng lời cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy: "... Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời..."  Thay vì hành động chống lại kẻ thù, thì hãy cầu nguyện để họ được hoán cải, và quan trọng hơn là cầu cho chính mình cũng được hoán cải khỏi những tình cảm hận thù, để tất cả trở nên con cái Chúa.  Lúc đó chúng ta sẽ không còn kẻ thù, mà chỉ là anh chị em và bạn hữu trong Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Lm. Raphael Xuân Nguyên
image2
BÀI ĐỌC I: St 2, 7-9; 3, 1-7"Nguyên tổ được tạo thành, và phạm tội".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết thiện ác.
Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: "Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?" Người nữ nói với con rắn: "Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: 'Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết'". Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. 
4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 12-19"Chỗ mà tội lỗi đã đầy tràn, thì ân sủng đã đầy dàn dụa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội ở trần gian. Nhưng nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới.
Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính.
Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4, 4bNgười ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
PHÚC ÂM: Mt 4, 1-11"Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".
Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Chúa Giêsu đáp: "Cũng có lời chép rằng: 'Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'".  
Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi". Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'". Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.  Đó là lời Chúa.
 
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
CN I M
ÙA CHAY A
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Sách Thánh gọi ma qủy là kẻ thù rất xảo trá của con người.  Chúng ta hãy chuyên cần suy niệm Thánh Kinh và hướng lòng về Chúa, tránh xa những cạm bẫy của ma quỷ, và thiết tha dâng lời cầu xin cùng Chúa:
Xướng:  1.  Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh Chúa Kitô, luôn theo gương Người chiến đấu chống lại các cám dỗ, để Mùa Chay giúp Hội Thánh trờ nên thánh thiện, xứng đáng là hiền thê của Người.
                                                                                                   Chúng ta cầu xin Chúa
2.  Chúng ta cầu xin cho mọi dân tộc trên thế giới, đừng lao mình vào những ăn chơi trụy lạc, để thế giới con người có thể nhìn thấy một tương lại tốt đẹp hơn, trong tự do, an bình, thịnh vượng và hạnh phúc.
3.  Chúng ta cầu xin cho những người đau khổ và bất hạnh, nhận được sự nâng đỡ ủi an nhiều hơn, trong Mùa Chay thánh này.
4.  Chúng ta cầu xin cho Cộng Đoàn và Giáo Xứ chúng ta, nhờ Mùa Chay thánh, biết tích cực hơn trong việc sống và thực hành Lời Chúa Kitô dạy, nhất là luật mến Chúa yêu người.
5.  Chúng ta cầu xin cho các linh hồn theo ý những người xin lễ hôm nay, được Chúa thương đưa về hưởng nhan thánh Ngài muôn đời.  Và trong thinh lặng, xin mọi người cùng dâng lên Chúa những nhu cầu và nguyện ước riêng của mình.
Chủ Tế:  Lạy Thiên Chúa đầy lòng xót thương, xin nâng đỡ niềm tin non yếu của chúng con, để chúng con luôn vững bền theo Chúa.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
THỨ TƯ LỄ TRO
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Lời Chúa kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối trở về.  Chúng ta hãy mau mắn đáp lại Lời Ngài như lệnh truyền yêu thương của ơn cứu độ, và thiết tha van nài:
Xướng:  1.  Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh Chúa, biết dùng Mùa Chay thánh như thời gian thuận tiện để trở về cùng Chúa, bước theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá, năng cầu nguyện cũng như thi hành các việc bác ái, để có thể sống đời sống thánh thiện như Chúa kêu mời. 
                                                                                                             Chúng ta cầu xin Chúa2.  Chúng ta cầu xin cho sự hiệp nhất Kitô Giáo trên khắp hoàn cầu.  Nhờ Mùa Chay Thánh mà mọi người nhận ra ý Chúa Kitô, để quyết tâm sống dưới sự hướng dẫn duy nhất của Người.
3.  Chúng ta cầu xin cho mọi dân tộc trên thế giới, nhận ra giá trị đích thực yêu thương của Tin Mừng mà Chúa Kitô đã dạy, để họ biết xích lại gần nhau hơn trong tình huynh đệ, đem lại an vui và tự do cho nhân phẩm con người.
4.  Chúng ta cầu xin cho Cộng Đoàn và Giáo Xứ chúng ta, mỗi tín hữu biết dùng thời gian thuận tiện của Mùa Chay, để nhận ra giới hạn trong thân phận bụi tro, và thật lòng trở về cùng Chúa khi nghe lời Ngài phán:  "Hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, các bạn dừng cứng lòng!"
5.  Chúng ta cầu xin cho các linh hồn theo ý những người xin lễ hôm nay, nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô,  được Chúa thương đưa về hưởng nhan thánh Ngài muôn đời.  Và trong thinh lặng, xin mọi người cùng dâng lên Chúa những nhu cầu và nguyện ước riêng của mình.
Chủ Tế:  Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,  Chúa biết chúng con yếu đưối lỗi lầm, xin Chúa thương nhận lời cầu xin và thứ tha, giúp chúng con biết thật lòng trở về cúng Chúa.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen

Không có nhận xét nào